Ba mẹ có biết rằng, khen ngợi trẻ con chính là phần thưởng tinh thần vô cùng to lớn với trẻ. Nhiều khi bạn không cần những món quà mà chỉ cần một lời khen để trao thưởng cho hành vi hay kết quả tốt mà bé đạt được. Tuy nhiên, cách khen trẻ con như thế nào thì rất nhiều ba mẹ không biết hoặc đang làm sai. Hãy cùng O2 Education tìm hiểu Cách Khen Trẻ Con: Những điều nên và không nên làm.
Khen ngợi tạo động lực để trẻ làm những điều tốt hơn nữa: Trẻ con cũng như người lớn, đều mong muốn nhận được những phản hồi tốt từ người khác. Khi nhận được phản hồi là những lời khen, chúng ta cảm thấy hào hứng và muốn thực hiện hành vi được khen đó vào lần sau.
Khen ngợi giúp trẻ tự tin hơn về bản thân: Khi đứa trẻ không chắc chắn mình có làm tốt hay không, hoặc tự ti về khả năng của mình, thì một lời khen sẽ khiến con bạn củng cố được niềm tin và phấn đấu hơn.
Khen ngợi giúp đẩy lùi những hành vi không tốt: Điều này rất dễ hiểu. Việc khen ngợi hành vi tốt sẽ giúp trẻ nhận thức rõ rệt đâu là việc tốt, đâu là việc xấu. Nếu cư xử không tốt, bé sẽ không được khen. Từ đó, bé sẽ giảm bớt những hành vi xấu và thay vào đó là cư xử tốt hơn.
Chúng ta thường bắt đầu khen trẻ từ khi nào?
Tất nhiên là chúng ta thường bắt đầu khen trẻ từ lúc chúng còn là em bé, đó có thể là những câu như “Ôi, con cười xinh quá!”, “Xem này! Nó nắm chặt ghê chưa?”…
Nhưng một khi bé bước vào tuổi chập chững biết đi thì “đưa ra lời khen gì” và “khi nào” là vấn đề cần phải cân nhắc.
Cha mẹ nên tán thưởng bằng cách vỗ tay hay chỉ chú ý và ghi nhớ khi thấy bé biết cất đồ chơi? Người lớn nên la mắng khi bé chia bánh cho bạn hay chỉ nên tặng bé một nụ cười vì hành động hào phóng ấy? Bỏ qua điệu bộ “khó coi” để ca ngợi nỗ lực của bọn nhỏ, có nên không?
Nguyên tắc chung về lời khen
Trẻ học nhanh hơn khi có thông tin phản hồi cụ thể về những gì chúng làm tốt. Nhà tâm lý học J. Henderlong và tiến sĩ M. Lepper đã có hơn 30 năm nghiên cứu về tác động của những lời khen với trẻ và rút ra kết luận rằng những lời khen ngợi có thể là động lực mạnh mẽ nếu bạn làm theo những hướng dẫn sau:
- Hãy chân thành và cụ thể với lời khen của bạn.
- Lời khen chỉ có ích với những đặc điểm có thể thay đổi ở trẻ.
- Sử dụng lời khen một cách thực tế đi kèm vời những tiêu chuẩn nhất định.
- Cẩn thận những lời khen mà trẻ không cần phải quá nỗ lực mới đạt được.
- Khuyến khích trẻ tập trung vào kỹ năng cụ thể không phải dựa trên những so sánh giữa chúng với những đứa trẻ, những người khác.
Cách Khen Trẻ Con Như Thế Nào?
KHÔNG NÊN: Khen con thông minh!
Khi con đạt được điểm cao, làm được việc tốt hay có khi chỉ là câu nói lém lỉnh, đáng yêu, nhiều bậc cha mẹ đã không ngần ngại khen con thông minh. Điều đó thật sự không tốt!
Nếu cha mẹ cứ mãi khen “Ôi, con mẹ giỏi quá!”, chẳng mấy chốc đứa trẻ sẽ nghĩ mình là cực kỳ thông minh, là thần đồng. Nhưng sau đó khi gặp thất bại, các bé sẽ nghĩ là “Ôi, mình không thông minh cho lắm”. Do đó điều quan trọng các phụ huynh nên nhớ là không nên khen con em mình là thông minh mà chỉ khen những gì con em mình làm. Hãy nói chẳng hạn, “Wow, tốt lắm, con đã học được rồi đó”, hay “Con đã học làm điều đó tốt lắm.”
Chúng ta đều biết, trí thông minh bẩm sinh của đứa trẻ là một lợi thế cho sự phát triển sau này của trẻ. Tuy nhiên, để học tốt, điều kiện không thể thiếu là sự chăm chỉ, cố gắng. Chăm chỉ là yếu tố có thể cải thiện còn trí thông minh bẩm sinh thì không thể thay đổi được. Mẹ khen con thông minh khi con đạt điểm số tốt sẽ làm đứa trẻ hiểu rằng thành quả đó là nhờ sự thông minh. Như vậy, người mẹ đã không giúp con chú trọng đúng mức vào sự chăm chỉ – yếu tố có thể duy trì năng lực của trẻ về lâu dài.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi được khen thông minh sau khi trả lời đưọc một bài toán… trẻ sẽ giảm nỗ lực để làm một bài toán khó hơn. Đó là bởi vì trẻ đang lo lắng rằng nếu chúng không làm tốt, mẹ không còn nghĩ chúng là thông minh nữa.
Bà Carol cũng cho biết những lời khen ban cho bé trong ba năm đầu đời sẽ hình thành nếp nghĩ của đứa trẻ năm năm sau đó, vì thế điều này thực sự quan trọng. Thành ra những lời khen có thể tác động tức thời đến các học sinh. Một trong những nghiên cứu của Carol liên hệ đến 400 học sinh lớp năm, và các em được yêu cầu thực hiện một bài kiểm tra dễ, ngắn, và hầu hết các em đều làm tốt. Sau đó phân nửa các em được khen là thông minh còn phân nửa còn lại được khen là đã cố gắng nhiều khi làm bài này. Sau đó, các em lại được yêu cầu làm thêm một bài kiểm tra thứ hai bằng một trong hai cách: hoặc chọn làm một bài kiểm tra tương đối đơn giản hoặc chọn một bài kiểm tra thử thách hơn nhưng có thể phạm nhiều lỗi hơn. 90% các em được khen ngợi là có cố gắng đều chọn bài kiểm tra khó hơn, trong khi đa số các em được khen thông minh thì lại chỉ chọn bài kiểm tra dễ.
Đừng khen con thông mình. Vậy các bậc cha mẹ nên khen con thế nào?
NÊN: Khen con có nhiều nỗ lực
Cha mẹ hãy khen thưởng dựa trên sự nỗ lực của con. Thay vì khen: “Con thông minh quá” cha mẹ có thể khen: “Tốt lắm, đó là phần thưởng cho nỗ lực của con”. Điều này sẽ giúp cho trẻ hiểu cha mẹ đánh giá cao nỗ lực của nó thế nào. Nỗ lực không cho phép dễ dàng thỏa mãn. Khi gặp khó khăn, thất bại, trẻ sẽ nghĩ do mình chưa thực sự cố gắng chứ không tìm cách đổ lỗi.
Hơn nữa, nếu khen thưởng dựa trên sự nỗ lực thì có nghĩa dù kết quả không tốt như trẻ hoặc cha mẹ mong muốn nhưng bé đã vô cùng cố gắng, chăm chỉ khi làm việc gì đó thì điều đó cũng vô cùng đáng khen. Lời khen này sẽ không sáo rỗng và thúc đẩy sự phát triển của con, khiến con sẽ luôn nỗ lực hết mình khi làm mọi việc. Hãy khen con có nhiều nỗ lực, đó mới là cách dạy con đúng đắn.
NÊN: Khen ngợi sự cố gắng chứ không phải là kết quả
Trẻ con chỉ đạt được lòng tự tin thật sự khi chúng có cơ hội để “hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Để thực hiện nhiệm vụ chúng phải tận dụng hết mọi khả năng phù hợp với mức phát triển của mình, nỗ lực vượt qua các khó khăn, đôi khi phải chịu đựng cả sự thất bại… phải trải qua nhiều chặng đường gian nan mới đạt được thành công. Và lúc này, đúng lúc này, lời khen ngợi của cha mẹ mới mang đến tác dụng tích cực.
Khi bạn khen con ở một điểm nào đó, đừng quên gắn nó với những nỗ lực mà con đã làm để đạt được. Ví dụ: “Tóc con óng mượt quá, hẳn là con đã tự chải phải không?” hay “Con đạt điểm cao nhất lớp bài kiểm tra môn Toán, công học hành chăm chỉ cuối cùng cũng được đền đáp con nhỉ?”.
Bằng cách này, bạn chỉ ra cho con thấy kết quả có được không phải do tài cán, mà là do chính những gì con đã cố gắng thực hiện.
Chuyên gia tâm lý cho rằng: “Khi bạn nghĩ bạn có được điều gì đó chỉ do mỗi tài năng, lúc thất bại, bạn sẽ tin lỗi tại mình và thấy khó vượt qua tất cả. Còn nếu bạn tin rằng mọi thứ đều cần lao động nghiêm túc, dày công thực hiện, thì khi vấp ngã, bạn sẽ đứng dậy được và biết cách hành động để có thể vươn xa hơn”.
Mới đây tôi có dịp quan sát 2 đứa trẻ ba tuổi ngồi cạnh nhau xây tháp. Một bà mẹ đứng chỉ đạo con mình từng bước một: “Cưng à, khối gỗ đó to quá. Lấy cái nhỏ hơn đi con”, “Ối, nó rung rinh rồi kìa, chêm thêm vào không thì tháp đổ mất”.
Khi tòa tháp xây xong là lúc bà mẹ vỗ tay thật to và đưa ra lời khen không tiếc lời “Thật là tuyệt vời, con là người xây dựng giỏi nhất mà mẹ từng gặp”.
Người mẹ của đứa trẻ còn lại thì có vẻ như không thích can thiệp và cứ để cậu con trai tự mình xây tháp. Tháp đổ lần một, lần hai, rồi lần ba…, bà chỉ động viên bé tiếp tục công việc (“Ôi sụp mất rồi nhưng không sao, xây lại đi con”) và giúp bé vượt qua sự thất vọng mỗi lúc một lớn của mình (“Con làm được mà. Con rất giỏi vượt qua khó khăn đúng không nào?”).
Rồi cũng đến lượt bé xây xong tòa tháp của mình, người mẹ khen ngợi một cách thiết thực “Con thấy chưa mẹ tin là con làm được. Tòa nhà của con thật là chắc chắn”.
Như đã trình bày ở trên, điều quan trọng là phải biết được khen như thế nào và khi nào nên khen. Tuy vậy, hai yếu tố trên vẫn chưa đủ, các bạn cần phải lưu ý đến cả mức độ. Một lời khen đúng đắn/sáng suốt sẽ giúp bé nhận ra được sự khác biệt giữa những cố gắng bình thường và sự nổ lực hết mình, trong khi những lời khen bừa bãi lại làm giảm lòng quyết tâm vượt qua vật cản của trẻ.
Do không thể đo lường sự cố gắng của trẻ nên còn phải tùy theo độ tuổi và khả năng của mỗi đứa trẻ. Bức tranh đầu tiên của đứa bé 2 tuổi chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc, một bài hát lạc điệu của bé gái 4 tuổi, thời gian khó nhọc chạy theo bắt bóng của một đứa bé 6 tuổi… cũng là sự cố gắng của chúng.
Đối với trẻ ở lứa tuổi bắt đầu đạt được những kỹ năng cơ bản, bí quyết để trao tặng lời khen thích hợp là “Khen ngợi sự cố gắng chứ không phải là kết quả”.
NÊN: Lưu ý đến động cơ
Mặc dù bé vẽ giun vẽ dế thì bạn cũng nên khen ngợi động cơ (“Con thích vẽ lắm phải không?”, sự tập trung vào công việc (“Mẹ thấy con rất cố gắng vẽ”) và sự chọn lựa của bé (“Con tô màu này được đấy, mẹ thích lắm”).
Nhấn mạnh sự ham thích ca hát có tác dụng hơn là vội vàng đánh giá năng khiếu của bé (“Múa hát cũng rất vui đúng không con?”). Thay vì tập trung mọi chú ý đến sự vụng về thì nên thông cảm và nêu bật tính bền bỉ cố gắng luyện tập của trẻ (“Bắt được banh cũng khó lắm con ạ nhưng mẹ thấy con sắp bắt được rồi đấy, cố lên con!”).
Nhiều khi cha mẹ cảm thấy khó lòng mà đứng nhìn con phải tự xoay xở công việc một mình. Tình huống trở nên khó xử hơn khi bé đang học kỹ năng mới hoặc làm việc có vẻ chật vật là cha mẹ chỉ muốn “xông” vào giúp đỡ mà thôi.
Trong một số gia đình, người cha không những ngồi ngắm bức tranh cô con gái đang vẽ mà còn đề nghị chỉnh sửa màu, nét vẽ… và thậm chí tự mình vẽ lại hình cho con. Sự can thiệp quá mức như vậy chỉ làm cho cô bé mất đi cơ hội “làm chủ bản thân mình”.
Qua tình huống trên con bé chỉ học được: “Ba có thể làm mọi việc tốt hơn, đẹp hơn mình” và cảm thấy dễ chịu nếu chẳng ai quan tâm hay khen ngợi tác phẩm nghệ thuật của nó bởi lẽ bé đã không được phép vẽ theo ý mình nên chẳng có công lao gì trong đó cả.
Nên: Nêu bật sự cố gắng tích cực
Cách thể hiện sự động viên, khen ngợi của bạn cho con bị ảnh hưởng rất nhiều từ cách khen thưởng của chính cha mẹ bạn. Mẹ bạn khen thật lòng hay chỉ khen lấy lệ? Bạn phải nỗ lực ra sao mới nhận được nụ cười hay lời động viên? Cha bạn có cho rằng mọi việc bạn làm đều tuyệt vời hay không?
Tuy rằng đứa trẻ nào cũng muốn được yêu thương nhưng trách nhiệm của cha mẹ còn là giúp chúng thực hiện những ước vọng của bản thân trong hiện thực. Thương con trai lắm nhưng cha mẹ cần hiểu tính khí của con, con gái chẳng có điều gì chê trách ngoài cái tật hay mít ướt.
Khen đó nhưng cũng đừng ngại những góp ý mang tính xây dựng. Điều quan trọng là giúp bé sửa sai, đứng lên sau mỗi lần thất bại vì “thất bại là mẹ thành công”. Luôn tìm ra cách khuyến khích nhưng tránh làm bé tổn thương. Nhấn mạnh sự cố gắng tích cực và đưa ra lời bình luận trung lập: “Con à, không phải cứ thật nhanh là tốt đâu? Làm việc gì cũng chậm chậm và cẩn thận thì chẳng mấy chốc con sẽ thuần thục cho mà xem”.
Khi bé lớn hơn nữa cần tìm cách cho trẻ phân biệt được thế nào là việc dang dở và hoàn tất nhưng cũng đứng quên bỏ qua thái độ của trẻ.
“Mẹ thấy rằng con không hài lòng với bài tập làm văn của mình vì con đã vội vã làm cho xong. Con ra ngoài chơi một chút rồi vào làm tiếp nhé!” chắc chắn sẽ thuyết phục hơn là “Sao chẳng bao giờ con làm việc gì cho ra hồn cả. Lúc nào cũng làm cho có mà thôi”.
Luôn ghi nhớ rằng nếu bạn luôn nâng niu con bằng những lời khen thì trẻ sẽ dần dần dị ứng với những lời phê bình, mất lòng tin và không thân thiện với những người đã thật tình góp ý.
NÊN: Cho biết vì sao trẻ được khen
Lời khen bao giờ cũng cần đi cùng giải thích, nếu không sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Bạn không nên khen chung chung: “Con ngoan lắm”, “Con giỏi lắm” mà có thể là: “Con làm mẹ thấy rất vui vì…”. Hãy cho trẻ biết tại sao bé lại được khen. Như vậy bé mới hiểu đúng mẹ đang khen mình cái gì để lần sau nỗ lực làm tốt hơn.
KHÔNG NÊN: So sánh!
Bạn nên đánh giá con dựa vào chính bé ngày hôm qua chứ không so sánh với bạn hàng xóm hay bạn cùng lớp. Con bạn có thể chạy không nhanh bằng con hàng xóm, nhưng kết quả lần thi này của bé đã tiến bộ rất nhiều so với những lần trước. Bạn hãy khen con vì điều đó.
Việc so sánh khi khen ngợi sẽ khiến bé có đánh giá lệch lạc về bản thân cũng như về người khác. Từ đó, bé sẽ coi thường những bạn không bằng mình, hoặc nảy sinh tính đố kỵ.
NÊN: Miêu tả trước những gì con làm có thể khiến bạn khen ngợi
Bạn hãy cho con biết điều gì sẽ làm bạn hài lòng, điều gì sẽ giúp bé thành đứa trẻ ngoan… Khi biết mẹ thích gì, bé sẽ có xu hướng làm những điều đó để mẹ vui và khen mình.
NÊN: Dạy trẻ đưa ra lời khen
Khi dạy con đánh giá nhận xét, bạn nên hướng con nhìn nhận mặt tích cực chứ không đơn thuần là việc chỉ ra cái chưa được. Từ đó, khuyến khích trẻ khen những gì người khác đã làm được.
Ví dụ, nếu bạn của bé vẽ con cá, nét vẽ nghuệch ngoạc nhưng tô màu rất đều. Bạn để bé nhìn ra cả hai điều đấy, nhưng khuyên con nên khen bạn đã tô màu rất tốt và bạn sẽ cố chỉnh nét vẽ tốt hơn cho lần sau.
NÊN: Cảm ơn hành động của con
Trong cuốn sách “Cha mẹ Nhật dạy con tự lập” tác giả Sugarhara đã lí giải thế này: Nếu cha mẹ nào lấy việc khen ngợi con làm động lực cơ bản khiến trẻ hành động, sẽ nuôi dưỡng bên trong nguy cơ trẻ chỉ làm việc khi được cha mẹ khen ngợi. Nhưng khi trẻ làm được việc gì, thay vì nói những câu “Con mẹ giỏi quá”, “Con mẹ quả là người lớn”, thì cha mẹ hãy nói những lời cảm ơn với việc con đã làm giúp bằng cảm xúc vui sướng và chân thành với trẻ như “Cảm ơn con”, “Con đã giúp mẹ được rất nhiều việc”, “Mẹ rất vui”, hay là “mama so happy”. Bởi vì khi giúp đỡ cha mẹ, trẻ rất muốn biết cha mẹ cảm nhận gì về hành động ấy. Khi có thể hãy nói cho trẻ biết cảm xúc của mình, và càng truyền tải cụ thể từng việc làm của trẻ đã đem đến cho mình những niềm vui và lợi ích gì càng tốt.
Những lời khen “con mẹ giỏi quá”, “con mẹ quả là người lớn” không hề có ý xấu nhưng nó lại không cho trẻ biết được rằng việc làm của trẻ đã có những lợi ích tích cực như nào đối với cha mẹ, bởi nó không phải là những lời nói diễn tả cha mẹ cảm nhận như nào với việc làm của trẻ.
Thừa nhận hành động của con bằng cách nói ra cảm xúc của bản thân về hành động ấy cũng chính là một cách khen ngợi.
NÊN: Cho trẻ hiểu lời khen không tồn tại mãi mãi
Lời khen chỉ tồn tại khi bé làm việc tốt. Bạn nên nhắc nhở bé, nếu hôm nay con ngoan, mẹ khen con nhưng không có nghĩa mai con nghịch ngợm, phá phách thì con vẫn là đứa trẻ ngoan.
Các chuyên gia tâm lý cũng chỉ ra rằng những lời khen ngợi có hiệu quả nuôi dạy con hơn so với những lời trách móc hay những hình phạt. Nhiều lời khen sẽ có tác dụng tích cực một lời phê bình. Các nhà nghiên cứu cho rằng khi bạn phê bình trẻ 1 lần bạn phải khen trẻ lại 6 lần. Vì vậy, bạn nên hạn chế những lời phê bình hay trách móc trẻ.
NÊN: Lựa chọn lời khen thích hợp
Những lời khen không hợp lý sau sẽ ảnh hưởng tiến trình phát huy khả năng của bé từ 3 – 6 tuổi:
– Con: Mẹ nhìn con hươu cao cổ của con này
– Mẹ: Mẹ chưa từng thấy con hươu nào đẹp như thế. Mẹ rất tự hào về chàng họa sĩ tí hon của mình.
Trong cùng một tình huống như vậy, cách xử trí tốt hơn nếu:
– Con: Mẹ nhìn con hươu cao cổ của con này
– Mẹ: Mẹ thích nét con vẽ cái cổ con hươu thật dài và thanh. Giống hươu thật lắm. Con hài lòng với bức tranh của mình lắm phải không?
Đây lại là lời khen mang lại tác dụng ngược:
– Con: Bài kiểm tra toán của con chỉ được 6 điểm thôi.
– Cha: Cha biết con luôn là học sinh xuất sắc nhất trong lớp. Con luôn đạt điểm cao nhất trong những lần kiểm tra trước. Đừng quá lo lắng con ạ! Chỉ là bài kiểm tra thử thôi mà.
Cách tốt hơn:
– Con: Bài kiểm tra toán của con chỉ được 6 điểm thôi
– Cha: Con luôn được điểm môn toán cao lắm mà. Con nghĩ xem vì sao mà lần này con lại không làm bài tốt?
– Con: Chắc vì con coi phim hoạt hình nhiều quá.
– Cha: Con thấy chưa, nếu con xem lại bài kỹ hơn thì chắc hẳn bài làm của con sẽ tốt hơn nhiều. Khi nào con lại có bài kiểm tra?
Những lời khen tặng “trên trời” sẽ làm cho trẻ bối rối, không hiểu khả năng thật sự của mình là ở đâu. Ngoài ra, bé lại mất tự tin và nghi ngờ bản thân nếu người lớn khen quá sự thật hoặc chẳng khen lời nào (trước đây thì khen rất nhiều). Vì thế, lựa chọn lời khen thích hợp cũng là một điều rất quan trọng.