Ẩn phía sau những thảm cỏ xanh mướt, mượt như nhung là những nguy cơ về ô nhiễm môi trường từ sân golf.
Ô nhiễm môi trường từ sân golf: Sử dụng nhiều hoá chất độc hại
Để vận hành được một sân golf cần phải sử dụng nhiều hóa chất độc hại, như axit silic, oxit nhôm và ô xít sắt (tác nhân gây ung thư)… Trong đó, acrylamide là chất cực độc với sinh vật và con người, tất cả các hóa chất này có thể ngấm xuống đất, vào nước ngầm.
Để giữ được màu xanh và phục hồi bề mặt cỏ sân golf, doanh nghiệp thường phải dùng các loại hóa chất chuyên dụng riêng như: Chlorpyrifos, Diazinon và Isazofos… thuộc danh mục hóa chất nhạy cảm với môi trường và sức khỏe con người.
Các số liệu nghiên cứu trên thế giới cho thấy, trung bình mỗi năm một sân golf 18 lỗ sử dụng khoảng 1,5 tấn hoá chất (cao gấp 3 lần so với cùng diện tích đất nông nghiệp), trong đó axit silic, ôxít nhôm và ôxít sắt (các tác nhân có tiềm năng gây ung thư).
Cho nên, dù được xây dựng ở bất kỳ vị trí nào, các sân golf đều có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Tuy nhiên, nếu xây cạnh dòng sông và khu dân cư sẽ khiến cho vấn đề xử lý môi trường càng trở nên khó khăn.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, sân golf thường không xây dựng tại những vùng đất có thể canh tác nông nghiệp, mà lựa chọn tận dụng khai thác những nơi đất cằn cỗi, thậm chí là sa mạc, để không gây lãng phí tài nguyên đất.
Hơn nữa, việc xây dựng các sân golf còn tiềm ẩn nguy cơ tác động xấu đến môi trường như: Xóa sạch lớp phủ thực vật tự nhiên, nguy cơ cháy rừng, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan môi trường sống, tạo ra đất và lớp cỏ ngoại lai, hay gây ra những biến đổi về địa hình và nguồn nước ngầm địa phương,….
Ô nhiễm môi trường từ sân golf: Cạn kiệt nguồn nước ngầm
Theo kết quả khảo sát các sân golf ở Đông Nam Á, bình quân một sân golf 18 lỗ tiêu thụ 150.000 m3 nước sạch/ngày, tương đương lượng nước sinh hoạt cho 20.000 hộ gia đình.
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, một sân golf 18 lỗ ở Việt Nam tiêu tốn tới 5.000 m3 nước mỗi ngày cho việc tưới và duy trì bảo dưỡng mặt sân. Lượng nước này thường được khai thác từ nguồn nước ngầm, nên sau một thời gian, việc lún đất, sụt đất do nước ngầm bị lấy đi quá nhiều, mực nước ngầm sâu hơn và ô nhiễm nước ngầm do hoá chất, phân bón từ sân golf là chuyện không thể tránh khỏi.
Phần lớn các dự án sân golf đã đi vào hoạt động hiện nay ở Việt Nam không có khu xử lý nước thải riêng. Toàn bộ nước thải sân golf sẽ đổ trực tiếp ra môi trường sau khi được xử lý sơ bộ tại các hồ lắng nội bộ.
Bài toán kinh tế khi phát triển sân golf đi kèm những tiềm ẩn về ô nhiễm môi trường vẫn còn là một vấn đề nan giải gây nhiều tranh cãi không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Hy vọng sẽ sớm có những thay đổi, giải pháp tích cực cho vấn đề này.
Nguồn: Tổng hợp