Đối với những người yêu âm nhạc, làm podcast, làm video youtube… thì thu âm là một trong những công đoạn quyết định chất lượng, sự thành công của sản phẩm. Tuy nhiên, làm thế nào để có một phòng thu chất lượng “ổn” thì hãy cùng đón xem bài viết này nhé!
Thu âm tại nhà cần những gì?
Dưới đây là danh sách các thiết bị thiết yếu để bạn có thể thu âm bài hát tại nhà với chất lượng chuyên nghiệp
- Máy tính và phần mềm làm nhạc
- Loa kiểm âm (Studio Monitors)
- Tai nghe kiểm âm (Studio Headphone)
- Audio Interface
- Microphone
- Các tấm tiêu âm
- MIDI Controller và các thiết bị khác (tùy nhu cầu).
Hãy cùng xem xét chi tiết chức năng và tầm quan trọng của từng thiết bị trên!
1. Máy tính và phần mềm thu âm làm nhạc
Nếu tiêu chí của bạn là hiệu quả về chi phí và đề cao tính linh hoạt thì một chiếc máy tính cá nhân (PC) và phần mềm làm nhạc tốt là quá đủ.
- Bạn có thể lựa chọn PC (máy tính bàn) hoặc laptop đều được. PC thì giá thành sẽ rẻ hơn laptop. Nếu có điều kiện thì có thể sử dụng Mac mini hoặc Macbook của Apple để có thể làm việc tốt nhất, không phải ngẫu nhiên mà các nhà sản xuất âm nhạc hầu hết đều lựa chọn Macbook để làm việc.
- Bạn cần lưu ý chọn bộ nhớ RAM tối thiểu là 08 Gb, khuyên dùng 16G hoặc 32G để thoải mái sử dụng các thư viện nhạc cụ ảo.
- SDD có dung lượng lớn để lưu các project âm nhạc và chương trình cài đặt (tip nhỏ là các bạn nên có một ổ thứ 2 để backup dữ liệu nhé).
- CPU ít nhất là Intel Core i5 hoặc AMD Athlon X4 620. Ngoài ra, bạn nên cân nhắc các bo mạch chủ có sẵn kết nối Firewire IEEE 1394 (chuẩn giao thức âm thanh) để sử dụng các Audio Interface hỗ trợ kết nối này được dễ dàng và tiện lợi hơn.
2. Studio Monitors (Loa kiểm âm phòng thu)
Studio Monitors là thành phần rất quan trọng trong hệ thống studio của bạn. Nhiều người còn gọi nó là loa kiểm âm – tức là kiểm tra âm thanh. Bản mix của bạn có tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào nó. Không hề quá khi nói: “Loa kiểm âm quan trọng chỉ sau đôi tai của bạn”.
Đối với dân thiết kế đồ họa thì cần màn hình chuẩn (thường phải cân màu màn hình) thì đối với dân làm nhạc, sản xuất âm thanh cần loa kiểm âm.
Có như thế nào, thể hiện ra như thế. Đó chính là nhiệm vụ quan trọng nhất của loa kiểm âm.
Khi bạn nghe trên hệ thống studio monitors, mọi thứ trong bản mix đều nguyên bản hơn rất nhiều, bạn biết được bản mix của bạn thiếu gì, thừa gì, bị vấn đề gì. Nếu bạn nghe nhạc, thu âm, mix nhạc trên một hệ thống loa dân dụng (dù chất lượng cao đi nữa) thì thật sự quá khó khăn để rèn luyện đôi tai, và tạo ra những bản mix hay có thể nghe tốt trên nhiều hệ thống âm thanh khác. Vì âm thanh bạn nghe đã bị chất âm đặc trưng của đôi loa – mà các nhà sản xuất hay quảng cáo – làm SAI LỆCH.
3. Studio Headphone (Tai nghe kiểm âm)
Studio Headphone và Studio Monitors có chung tiêu chí lựa chọn như nhau. Do đó , đừng dùng những chiếc headphone nịnh tai như nhiều bass, treble siêu mượt hay gì đi nữa để thu âm và mix nhạc.
Studio Headphone có 2 chức năng là nghe nhạc nền và tín hiệu âm thanh đang thu (giọng hát, guitar…) trong quá trình thu âm và Mix nhạc. Tương ứng với 2 chức năng này, Studio Headphone được thiết kế thành 2 dạng: Closed-Back và Open-Back.
- Closed-Back Headphone được thiết kế để cách ly tối đa các nguồn âm thanh khi đang thu âm. Nó phải ngăn không âm thanh nào thoát ra ngoài/lọt vào trong.
- Open-Back Headphone (thường đắt hơn Closed-Back Headphone) được thiết kế để tối ưu chất lượng âm thanh nhưng có điểm yếu là dễ bị lọt âm thanh ra ngoài. Vì thế, nó phù hợp để mix nhạc.
Nếu túi tiền không cho phép, bạn nên cân nhắc mua Closed-Back Headphone để thu âm tốt và mix nhạc với chất lượng âm thanh đảm bảo.
4. Audio Interface (Sound card)
Đây chính là hệ thống giao tiếp giữa các cổng âm thanh đi vào và đi ra với máy tính. Nó giúp bạn thu tín hiệu âm thanh từ nhạc cụ và microphone vào máy tính và phát tín hiệu âm thanh từ máy tính ra loa.
Có rất nhiều loại Audio Interface trên thị trường, nhưng chung quy lại, có 03 loại chính sau:
- Giao tiếp USB: Kết nối với PC bằng cổng USB. Đây là loại phổ biến nhất trên thị trường và dễ tiếp cận nhất.
- Giao tiếp Firewire IEEE 1394: Kết nối với PC/MAC thông qua cổng Firewire – cổng chuyên dụng cho multimedia. Loại kết nối này cho độ ổn định và tốc độ cao, tránh được nhiều xung đột phần cứng. Hãy ưu tiên chọn loại Audio Interface có giao tiếp này nếu bạn đầu tư một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp cho phòng thu của mình.
- Giao tiếp PCI hoặc PC card: Cắm trực tiếp vào máy tính, tính cơ động không cao bằng 2 loại trên.
Khi chọn Audio Interface, bạn cần quan tâm xem nhu cầu của mình là gì?
Bạn thu âm cho 1 hay nhiều người cùng một lúc? Nguồn âm thanh và thiết bị bạn thu âm là gì? Hát, guitar hay keyboard…?
Hãy cân nhắc kỹ và chọn số lượng và loại đường vào (input) trên Audio Interface. Tuy nhiên các bạn nên nhớ: Chất lượng > Số lượng: điều này cực đúng với số lượng đường vào (input)
Tin tốt là chỉ với 150-400$, bạn có rất nhiều lựa chọn trên thị trường không tồi một chút nào!
5. Microphone
Microphone là thiết bị giúp bạn thu âm thanh bên ngoài vào máy tính như: giọng hát, đàn piano, trống, guitar cổ điển… Hãy chọn Microphone loại tốt nhất có thể trong túi tiền của bạn để có nguồn âm thanh tốt nhất trước khi mix.
Microphone gồm 3 loại chính: Condenser, Dynamic và Ribbon. Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là micro condenser (điện dung, tụ điện) và micro dynamic (điện động, cảm ứng từ trường).
Tùy vào mục đích và tính chất sẽ được sử dụng trong các trường hợp khác nhau.
- Các microphone condenser có độ nhạy cao, cho âm thanh tương đối chính xác, khả năng thu được âm thanh ở xa micro. Điều này vô tình là con dao 2 lưỡi, nếu thu không tốt, sẽ rất dễ dính tạp âm. Vì vậy cần xử lý cách âm, tiêu âm tốt hoặc thu trong một không gian yên tĩnh.
- Các micro dynamic thì có độ nhạy kém hơn nhưng và nó chỉ thu âm tốt nếu đặt nguồn âm thanh gần micro. Do đó bạn cần sử dụng các arm boom gắn bàn để có thể điều chỉnh micro sát miệng khi nói. Tuy nhiên, đây lại là một ưu điểm micro dynamic sẽ loại bỏ hầu hết tiếng ồn ở xa micro như tiếng bàn phím, tiếng quạt, tiếng điều hòa…
Microphone Condenser được nuôi bằng nguồn điện phantom 48V. Thật may, các Audio Interface đời mới ngày nay đều hỗ trợ phantom 48V. Hãy hỏi kỹ người bán hàng về thông số này.
6. Các tấm tiêu âm
Tiêu âm (hút âm) là loại bỏ các âm thanh ù ù trong một phòng thu, làm biến mất những âm thanh dội lại, tạo ra chất lượng âm thanh tốt hơn cho phòng hát, phòng thu.
Đối với mix nhạc: Bạn chỉ cần mua 2 tấm tiêu âm để đặt sau lưng bạn (nếu phòng nhỏ) và đặt sau lưng 2 chiếc loa kiểm âm.
Còn đối với thu hát: bạn cần đặt 1 tấm tiêu âm phía trước mặt (hiển nhiên là sau lưng microphone). Bạn sẽ cải thiện chất lượng bản mix, bản thu rất nhiều chỉ với 1 vài tấm tiêu âm cơ bản.
7. MIDI Controller và các thiết bị khác (tuỳ chọn)
Với các thiết bị trên thì cơ bản là bạn đã có một phòng thu tương đối chuyên nghiệp và hoàn chỉnh. Đối với những ai muốn đầu tư nghiêm túc cho phòng thu của mình, hãy tham khảo thêm các thiết bị dưới đây.
Nếu bạn là người chơi keyboard, piano thì phòng thu tại nhà của bạn không thể thiếu MIDI controller. Hãy chọn mua MIDI Controller hỗ trợ kết nối USB với máy tính hoặc chọn Audio Interface hỗ trợ MIDI Input.
Các thiết bị khác :
- Mixer : Nếu bạn cần thu đồng thời với nhiều nhạc cụ và nhiều người
- Dây âm thanh (audio cable) : Âm thanh được dẫn qua dây dẫn. Dây dẫn lởm. Âm thanh lởm. Chấm.
- Pop Filter : Màng lọc âm rẻ tiền (400.000 – 1.200.000đ/chiếc) dùng để lọc phụ âm ‘p‘ và ‘s‘.