dàn âm thanh hội trường, âm thanh lớp học, âm thanh phòng họp, loa trợ giảng

“VĂN MẪU TOÁN DẠNG” – LỢI HAY HẠI?

“VĂN MẪU TOÁN DẠNG” – LỢI HAY HẠI?

Bài viết của cô Trương Thị Hồng Thanh giảng viên khoa Toán ĐHSP HN.

Không phải mọi đứa trẻ đều cần giỏi Toán!

Không phải đứa trẻ nào cũng cần giỏi toán nhưng người dạy nào cũng cần dạy từ bản chất.
Nhân vừa nói chuyện với 1 PHHS lớp Toán 8 online. Mẹ lo lắng khi buổi đầu con không bắt nhịp được với cách dạy của cô, vì từ trước tới giờ con quen được dạy cách giải bài từng bước chi tiết theo từng dạng. Mình muốn chia sẻ lại bài viết cách đây đã lâu về việc học nói chung, học toán nói riêng để PH & HS tham khảo. Hy vọng sẽ giúp các con xác định được cách học đúng, vì mục tiêu phát triển lâu dài.
*****
… Mình cho rằng, mục tiêu của việc học toán của trẻ không phải là học cách giải các bài toán lắt léo, mà là học các khái niệm toán học và các tính chất của chúng, quan trọng hơn là thông qua quá trình học, trẻ phát triển khả năng tư duy và khả năng sáng tạo, đồng thời hiểu biết về các phép tính toán học để dùng trong cuộc sống và công việc. Vì vậy quá trình tìm lời giải cho các bài toán như thế nào mới là quan trọng, chứ thành thạo các dạng toán không giúp ích gì cho tư duy và cho cuộc sống cả, thậm chí nó còn làm giảm khả năng tư duy và bản lĩnh khi phải đối mặt với khó khăn.
Nếu con quen được thầy cô chia các bài toán thành các dạng rất chi tiết và dễ hiểu, làm cho việc giải toán của con trở nên đơn giản, chỉ việc học thuộc các dạng là xong, không cần hiểu bản chất, thì con rất thích học, thi đạt kết quả rất cao. Như thế bố mẹ sẽ rất yên tâm và hài lòng. Nhưng như vậy liệu có tốt cho con không? Nếu con ngừng học thầy cô đó, con có tiếp tục học tốt nữa không? Hay con phải tiếp tục học thêm những thầy cô như vậy cho đến hết lớp 12? Vậy lên đại học ai sẽ phân dạng cho con? Rồi khi trưởng thành, vào cuộc đời ai sẽ “phân dạng” cho con? Chưa kể, ở các lớp dưới như tiểu học và cấp 2, việc phân dạng còn rõ ràng, càng lên cao càng khó phân dạng, lên đại học thì không có chuyện phân dạng. Nhưng lúc này, con đã quen với cách học đó rồi, không có khả năng tư duy, không có khả năng tự học, con sẽ bị “sốc”. Có con cấp 1, 2 là siêu sao, vào cấp 3 đã bị đuối rồi. Có con tư chất tốt hơn thì khi vào đại học mới bị “sốc”, không thích nghi được với cách học đại học. Nhiều giảng viên đại học phản ánh rằng, những năm gần đây, khi mà thi đại học đề chung, có dạng rõ ràng, đặc biệt là khi thi trắc nghiệm, rất nhiều sinh viên thi điểm rất cao, học phổ thông tưởng là rất giỏi toán, nhưng vào đại học bị “sốc nặng”, không học được toán, trượt lên trượt xuống. Tất nhiên, vẫn có nhiều em giỏi, học tốt, mình không nói là tất cả. Đấy là mới nói đến hậu quả tác động đến việc học lên cao, còn hậu quả tác động đến việc giáo dục tổng thể một con người, về ý chí, thì mình không dám bàn tới.
Văn mẫu thì bố mẹ biết tác hại của nó rồi, nhưng toán theo dạng thì chắc nhiều bố mẹ không ngờ tới tác hại của nó đúng không? Nhưng không phân dạng thì học sinh sẽ thấy khó hơn. Đúng là như thế! Học toán đúng là không dễ, và không nên làm cho nó trở nên dễ. Đối mặt với một bài toán là đối mặt với một thử thách, con phải tìm cách vượt qua, thông qua đó con học được nhiều điều.
Thầy cô nên là người định hướng, dẫn dắt và truyền cảm hứng cho quá trình học của con. Đến bước cuối cùng, nếu cần thiết, thầy cô mới giúp con tổng kết thành dạng, giúp con vượt qua kì thi nhẹ nhàng hơn. Không phải lúc nào cũng nên làm cho một nhiệm vụ khó trở nên dễ dàng. Cũng như các môn thể thao, như chạy bộ, đạp xe hay leo núi vậy, mục tiêu là rèn luyện sức khoẻ, không phải là đến đích, hay lên được đỉnh núi, nếu không chỉ việc đi xe máy, hoặc dùng cáp treo là xong. Việc dạy cho trẻ học toán theo dạng ngay từ đầu, cũng giống như cho trẻ tập luyện thể lực bằng cách đi cáp treo lên đỉnh núi vậy.
Học toán theo dạng, “cầm tay chỉ việc” thì các con thấy dễ, thích học và rất có thể cải thiện ngay điểm số trên lớp. Nhưng các thầy cô dạy toán đúng nghĩa sẽ không làm như vậy. Họ yêu cầu các con suy nghĩ và hoạt động nhiều hơn, vì thế nếu không cẩn thận sẽ làm các con ngại và chán.
Thật không hề đơn giản. Vậy nên thầy cô không những cần chuyên môn cao mà còn cần bản lĩnh. Và bố mẹ lại càng phải bản lĩnh hơn.

SGK, sách ôn thi, sách tham khảo giá rẻ


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *