Trong bài 10 cách để tăng khả năng tập trung, chúng tôi có đề cập đến một số hoạt động rèn luyện trí não. Dưới đây là một số trò chơi giúp tăng sự tập trung cho trẻ mà bố mẹ có thể tham khảo.
#1 Trò chơi Ghép hình
Ghép hình là một trong những trò chơi rèn luyện trí tuệ tốt nhất dành cho trẻ. Không chỉ vậy, trò chơi còn yêu cầu trẻ tập trung cao độ để hoàn thành công việc, hình thành khả năng tập trung và kiên nhẫn.
Khi mua đồ chơi ghép hình cho con, cha mẹ nên chọn thể loại phù hợp với độ tuổi. Nếu đồ chơi quá khó, trẻ sẽ nhanh nản chí và bỏ cuộc.
Đối với trẻ em dưới 2 tuổi, hãy bắt đầu với bộ đồ chơi ghép hình có các khối đơn giản như tam giác, hình tròn. Trẻ trên 2 tuổi có thể thử sức với tranh xếp hình từ 10 đến 1.000 mảnh, tuỳ theo độ tuổi và khả năng mỗi cá nhân. Tranh xếp hình nên lựa chọn theo sở thích của trẻ để tăng sự hứng thú, tò mò.
Chuẩn bị: 1 bức tranh ghép hình.
Cách chơi:
- Cho trẻ quan sát bức tranh;
- Tháo các mảnh ghép và yêu cầu trẻ đặt các mảnh ghép vào đúng vị trí để có một bức tranh hoàn chỉnh.
#2 Trò chơi Ghép từ
Cùng với ghép hình, ghép từ là một trò chơi tuyệt vời để giúp tăng khả năng tập trung của trẻ.
Cách chơi ghép từ:
- Yêu cầu trẻ ghép càng nhiều từ càng tốt từ những chữ cái mà trẻ nhận được;
- Nếu trẻ không nghĩ ra, bạn có thể gợi ý.
Trò chơi này sẽ giúp trẻ ngồi yên trong một thời gian khi muốn đặt các mảnh ghép vào đúng chỗ.
Nếu có thể, bố mẹ hãy cùng con chơi trò Scrabble, một trò chơi ghép từ tiếng Anh để vừa tăng sự tập trung vừa học thêm được các từ vựng tiếng Anh.
#3 Trò chơi Hóa tượng
Trò chơi này sẽ giúp trẻ học cách gắn bó với một nơi và không cảm thấy buồn chán.
Chuẩn bị: Các bài hát và máy phát nhạc, loa phát nhạc bluetooth.
Cách chơi:
- Phát bài hát, yêu cầu trẻ nhảy hoặc làm bất cứ điều gì;
- Tắt nhạc và nói “hóa tượng”, trẻ phải giữ nguyên tư thế mà mình đang thực hiện, để khoảng 30 giây rồi nói “tự do”;
- Khi bạn nói “tự do”, trẻ có thể di chuyển và thay đổi tư thế;
- Lặp lại nhưng đừng để trẻ cảm thấy thiếu kiên nhẫn nhé.
#4 Trò chơi Tìm số
Trò chơi này giúp tăng cường sự tập trung và khả năng nhớ số của trẻ.
Cách chơi:
- Bắt đầu đếm số theo một chuỗi và bỏ qua một vài số. Yêu cầu trẻ nói ra số mà bạn đã bỏ qua. Ví dụ, bạn nói “8, 9, 10, 12” và trẻ sẽ nói “11”. Hãy tăng dần độ khó của trò chơi.
#5 Chạy đua với thời gian
Trẻ nhỏ thường rất hiếu thắng. Trò chơi này sẽ lợi dụng điều này để tăng khả năng tập trung cho trẻ.
Bạn cần:
- Đồng hồ bấm giờ;
- Những thứ như đồ chơi, giày dép, sách, cặp… tùy thuộc vào hoạt động bạn chọn.
Cách chơi:
- Chọn những hoạt động dễ dàng như bỏ đồ chơi vào trong hộp, để giày ở đúng nơi, soạn sách trước khi đi học…
- Dùng đồng hồ bấm thời gian và yêu cầu trẻ hoàn thành công việc trước khi hết thời gian.
- Điều này sẽ giúp trẻ làm việc với sự tập trung cao nhất.
#6 Trò chơi Chỉ một phút
Không bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của các hoạt động nhỏ. Rất nhiều điều có thể được thực hiện trong một phút và đó là những gì bạn muốn dạy cho trẻ.
Bạn cần: Một cái đồng hồ
Cách chơi:
- Đặt 20 quả bóng rải rác trong phòng;
- Yêu cầu trẻ nhặt càng nhiều bóng càng tốt trong một phút;
- Bắt đầu bấm thời gian và dừng lại sau một phút;
- Để trẻ đếm xem trẻ đã thu thập được bao nhiêu quả bóng.
Bạn có thể đổi hình thức của trò chơi thành: “Con có thể viết được bao nhiêu từ trong một phút?” hoặc “Con có thể đặt bao nhiêu thứ vào đúng vị trí trong 1 phút?”…
#7 Trò chơi nối dấu chấm và mê cung
Những trò chơi này rất thú vị, chắc chắn nó có thể thu hút trẻ hàng giờ đấy.
Bạn cần: 1 bức tranh nối dấu chấm hoặc bạn có thể in từ một trang web trên Internet. Bố mẹ có thể tham khảo tại đây.
Cách chơi:
- Đưa cho trẻ một bức tranh nối dấu chấm và yêu cầu trẻ nối các dấu chấm lại với nhau. Hãy để trẻ sử dụng trí tưởng tượng của mình để làm việc này
- Trò chơi kết thúc khi trẻ nối hết các dấu chấm và bức tranh hoàn thiện.
#8 Ba chiếc cốc
Trò chơi này giúp tăng khả năng tập trung của trẻ bằng cách khuyến khích bé quan sát bạn thao tác với những chiếc cốc.
Bạn cần: 3 chiếc cốc và 1 đồng xu (quả bóng bàn, cái kẹo, mẩu lego hoặc thứ gì nhỏ nhỏ cũng được)
Cách chơi:
- Úp 3 cái cốc lại. Đặt đồng xu dưới 1 trong 3 cái cốc khi trẻ đang nhìn
- Thay đổi vị trí của những chiếc cốc và yêu cầu bé xác định xem đồng xu đang nằm ở vị trí cái cốc nào sau khi bạn đổi.
#9 Bố/mẹ đã thay đổi như thế nào?
Đây là một trò chơi giúp tăng cường thị giác và sự tập trung tuyệt vời mà bạn có thể thử.
Bạn cần: Cà vạt, bông tai, kẹp tóc, nhẫn…
Cách chơi:
- Hãy để trẻ nhìn vào bạn, sau đó yêu cầu trẻ nhắm mắt lại;
- Tháo cà vạt, bông tai, buộc tóc hoặc cởi một chiếc giày;
- Sau đó, nói trẻ mở mắt ra và tìm xem bạn đã thay đổi gì so với trước khi trẻ nhắm mắt.
#10 Chơi Tangram
Tangram là một món đồ chơi xếp hình gồm 7 mảnh ghép (gọi là “tans”) có kích thước khác nhau với ba dạng hình học: 5 hình tam giác vuông cân, 1 hình vuông và 1 hình bình hành; xuất phát từ việc phân chia một hình vuông lớn ban đầu.
Luật chơi của Tangram rất đơn giản, sử dụng tất cả các mảnh ghép để tạo thành những hình ảnh sống động khác biệt, sao cho các cạnh của mỗi mảnh ghép không chồng lên nhau.
Sự hấp dẫn của trò chơi này đến từ chính sự đơn giản của nó, 7 mảnh ghép có thể tạo nên hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hình ảnh khác nhau. Tangram kích thích trí não của tất cả mọi người, từ trẻ em, người lớn cho đến các cụ già.
Giống như trò chơi lego, xây dựng, Tangram có thể dạy trẻ em về các mối quan hệ không gian. Tangram có thể giúp trẻ học các thuật ngữ hình học và phát triển khả năng giải quyết vấn đề mạnh mẽ hơn. Tangram thậm chí có thể giúp trẻ em thực hiện tốt hơn trong các bài kiểm tra số học cơ bản.
ghép hình có lẽ là trò chơi mình thấy có hiệu quả để tăng khả năng tập trung nhất cho trẻ