Sau khi cài đặt ứng dụng, nếu không phải tải từ Appstore thì rất nhiều trường hợp bạn không mở được ứng dụng trên Macbook. Vậy cách khắc phục như thế nào, hãy cùng tìm hiểu.
Cách cài đặt và gỡ ứng dụng trên Macbook
Đầu tiên, mời bạn tham khảo cách cài đặt ứng dụng trên Macbook và các cách gỡ ứng dụng trên máy Mac trong video sau:
Sửa lỗi không mở được ứng dụng sau khi cài đặt
Cách sửa lỗi không mở được ứng dụng trên Macbook bằng tắt GateKeeper
Mặc định nếu bạn tải file không phải trên App Store khi mở sẽ hiện thông báo sau: “Tên File” damaged and can’t be opened. You should move it to the Trash Hoặc: “App can’t be opened because it is from an unidentified developer”.
Lúc đó bạn cần tắt GateKeeper để cho phép cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc trên Macbook.
Sửa lỗi này bằng cách tắt GateKeeper, cụ thể như sau:
1. Tìm và mở ứng dụng Terminal trong Launchpad hoặc thư mục Application (Ứng dụng)
2. Copy và dán dòng lệnh sau vào Terminal nhấn Enter:
sudo spctl --master-disable
Sau đó bạn nhập mật khẩu máy của mình vào và Enter. Lúc nhập mật khẩu màn hình không hiện mật khẩu cũng không hiện dấu * gì hết, bạn cứ nhập đúng rồi Enter là được.
3. Bây giờ bạn có thể vào kiểm tra trong Security & Privacy, nếu có thêm mục Anywhere như hình dưới là thành công.
Lúc này bạn bấm vào hình chiếc khóa ở góc dưới bên phải, nhập mật khẩu máy và bấm chọn Anywhere là xong.
Nếu bạn muốn bật Gatkeeper lên, không cho phép cài ứng dụng từ nguồn ngoài nữa thì nhập vào trong Terminal lệnh sau:
sudo spctl --master-enable
Cách sửa lỗi không mở được ứng dụng trên Macbook bằng lệnh xattr
Nếu đã tắt Gatekeeper mà vẫn không mở được ứng dụng trên Macbook thì làm như sau:
1. Mở Terminal nhập dòng lệnh sau:
xattr -cr [khoảng trắng]
2. Kéo ứng dụng vào cửa sổ Terminal rồi Enter là được.
Không mở được ứng dụng trên MacBook sau một thời gian sử dụng
Nếu sau khi cài đặt, ứng dụng chạy bình thường nhưng sau một thời gian không mở được, ứng dụng cứ nhảy nhảy ở thanh Dock Bar, hoặc bị treo thì có thể thử các cách sau:
Buộc thoát ứng dụng
Để buộc thoát ứng dụng, ví dụ ứng dụng Chrome đang bị treo không mở được, hãy giữ phím Option và click chuột phải ở biểu tượng ứng dụng trên thanh Dock Bar, click vào Force Quit Google Chorme.
Hoặc bạn nhấn tổ hợp phím Option + Cmd + Esc và bạn chọn ứng dụng đang bị lỗi rồi nhấp chuột chọn Force Quit.
Khởi động lại Macbook
Phương án đơn giản nhất để giải quyết tình trạng ứng dụng bị treo, hệ thống chậm phản hồi là khởi động lại MacBook. Để thực hiện điều này, bạn truy cập vào menu Apple → nhấp chuột chọn Restart. Cách làm này sẽ giải phóng dung lượng bộ nhớ RAM và CPU, giảm kích thước bộ nhớ ảo từ ổ cứng.
Trường hợp menu Apple không thể truy cập hoặc cả máy tính đều bị treo, người dùng nhấn giữ tổ hợp phím Control + Cmd + nút Nguồn để tiến hành khởi động lại.
Xóa bộ nhớ Cache ứng dụng
Những ứng dụng của MacBook đều có chứa bộ nhớ cache có chức năng lưu trữ thông tin, hỗ trợ cho hoạt động của ứng dụng. Nếu file bộ nhớ cache xảy ra lỗi, khiến cho hoạt động của ứng dụng bị ảnh hưởng có thể thử làm như sau:
Bước 1: Nhấn vào biểu tượng Finder ở thanh Dock để mở ứng dụng Finder.
Bước 2: Nhấp vào nút Go trong menu Finder và chọn Go to Folder.
Bước 3: Nhập lệnh /Users/<tên user của bạn>/Library/Caches/ để đi tới folder Caches, ví dụ của mình là /Users/phuongphan/Library/Caches. Bạn có thể gõ chữ cái đầu sau đó dùng phím mũi tên để chọn từ danh sách xổ xuống.
Sau đó tìm và xóa thư mục có tên liên quan đến ứng dụng. Hãy cẩn thận kẻo xóa nhầm Caches của ứng dụng khác (không quá nguy hiểm nhưng xóa bộ nhớ Caches khiến cho ứng dụng phải tự khởi tạo bộ nhớ lại từ đầu và tốn một chút thời gian).