Room tín dụng là thuật ngữ dùng trong lĩnh vực ngân hàng, được hiểu là hạn mức cho vay của ngân hàng.
Room tín dụng là gì?
Hiểu một cách đơn giản, room tín dụng là giới hạn cho vay của một ngân hàng. Dựa trên mức tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế, NHNN sẽ phân phối tỷ lệ room tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước tùy vào sức khỏe tài chính của các ngân hàng như hiệu quả quản lý tín dụng và chất lượng tín dụng.
Năm 2011, room tín dụng chính thức được triển khai tại Việt Nam khi tỷ lệ lạm phát vô cùng cao, xuất phát từ việc cung tiền liên tục gia tăng ở mức rất cao trong nhiều năm. Để hạn chế và ngăn chặn việc này tiếp tục xảy ra, Ngân hàng nhà nước (NHNN) luôn công bố room tín dụng quy định tăng trưởng tín dụng tối đa vào đầu mỗi năm.
Ví dụ, đầu năm 2022, hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng X là 10%. Ngân hàng X có quy mô tín dụng là 100.000 tỷ đồng. Vậy trong năm 2022, ngân hàng X được cấp tín dụng tối đa là: 100000 x 110% = 110.000 tỷ
Nới room tín dụng là gì?
Thông thường NHNN sẽ áp room tín dụng cho từng NHTM để có thể quản lý và quản lý rủi ro trong hệ thống NHTM liên quan đến việc cấp tín dụng. Tránh việc NHTM có quá ít vốn nhưng lại cho khách hàng vay quá nhiều.
Và khi hết room tín dụng, NHTM không thể tiếp tục cho khách hàng vay nữa. Lúc này, NHTM có thể yêu cầu NHNN “nới” room tín dụng. Và việc quyết định sẽ tùy thuộc vào việc NHNN rà soát và kiểm tra.
Hết room tín dụng là gì?
Hết room tín dụng là trường hợp ngân hàng không thể tiếp tục cho vay được nữa vì đã cho nhiều khách hàng vay. Việc hết room có ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng trưởng của ngân hàng và các hoạt động phục vụ đời sống, sản xuất, kinh doanh của nhiều cá nhân, tổ chức.
Vì sao Ngân hàng Nhà nước lại quy định hạn mức room tín dụng?
Room tín dụng được đặt ra nhằm quản lý chặt chẽ khả năng tăng trưởng cũng như chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng, hai mục tiêu này luôn được đặt song song với nhau.
- Đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng được kiểm soát. Trước khi có sự can thiệp của room tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã từng chạm ngưỡng 30 – 50%. Đây là mức tăng trưởng vượt quá khả năng quản trị của các NHTM. Từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy cho ngành tài chính như mất cân đối vốn, lạm phát hay mất khả năng thanh toán. Việc sử dụng room tín dụng là cần thiết để đặt ra một giới hạn an toàn cho việc cấp tín dụng ngân hàng.
- Chất lượng tín dụng được đảm bảo. Room tín dụng giúp các ngân hàng ý thức được khả năng cho vay là có hạn và sẽ cẩn trọng hơn khi lựa chọn khách hàng. Tiêu chuẩn cho vay được đặt ra chặt chẽ cùng việc ưu tiên các hồ sơ minh bạch sẽ hạn chế phát sinh nợ xấu.
Bên cạnh đó, người vay là cá nhân hay tổ chức có hiểu biết về room tín dụng cũng hiểu rằng ngân hàng chỉ có thể cho vay trong khả năng có hạn nên sẽ có sự cẩn trọng về số tiền vay và phương thức sử dụng.
Ngoài ra, NHNN cũng có chính sách siết room tín dụng nhằm hạn chế sự tăng trưởng quá mức của một số ngành, điển hình như bất động sản hay chứng khoán.
Nếu không áp dụng room tín dụng, tăng trưởng tín dụng rất có thể vượt quá khả năng dự trữ, cân đối vốn và khả năng quản lý của các NHTM. Và mất khả năng thanh toán là hệ lụy lớn nhất. Như vậy, có thể hiểu rằng việc xây dựng luật room tín dụng nhằm mục đích kiểm soát từ sớm, từ xa tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng trong hệ thống ngân hàng.